LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU
Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (tt)
Old Diary Leaves
H.S. Olcott
Xem Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (Các Bài Trước)
Vào sáng ngày 28 trên sân cỏ trước khi đại hội bắt đầu, ông cho HPB hay ông tiếc là những hội viên khác tại Madras đã để cho ông P. Sreenivas Row, một thẩm phán, chi 500 rupee từ tiền túi của mình để trang trải các phí tổn của đại hội, vì ông Olcott biết chắc là ông Row không sao có thể bỏ ra số tiền lớn như vậy. Bà ngẫm nghĩ một chốc rồi gọi Damodar đang đứng trong nhóm nói chuyện ở xa một chút. Bà nói.
- Đi vào tủ thờ lấy cho tôi cái gói mà anh sẽ thấy ở đó.
Anh làm theo, chưa tới năm phút sau quay ra vội vàng cầm theo một lá thư dán kín trong tay, trên bì thư ghi ‘P. Sreenivas Row’. Họ cho gọi thẩm phán đến, đưa cho ông gói này và xin ông mở ra. Ông làm thế và nét kinh ngạc lộ ra trên mặt không sao diễn tả được, khi ông lấy ra một lá thư thật thân ái và hiền hòa của đức K.H. gửi cho ông, cám ơn những việc làm nồng nhiệt của ông, và gửi ông số tiền kèm theo đó để giúp trang trải chi phí cho đại hội. Nằm trong phong bì là nhiều tín phiếu có trị giá tổng cộng 500 rupee, đằng sau mỗi phiếu có chữ K.H. viết bằng bút chì xanh. Ông Row thuận cho ông Olcott giữ một phiếu trị giá 10 rupee; ông vẫn còn giữ được nó lúc viết hồi ký này.
Chuyện đáng lưu ý là ông Olcott chỉ mới nghe sự việc vài phút trước khi nói lại với HPB về sự rộng rãi của ông Row, Damodar đi vào tủ thờ rồi trở ra với số tiền chỉ trong vòng năm phút sau đó, mỗi tín phiếu đều có ghi chữ K.H.; cả HPB và Damodar gộp lại chưa có tới một trăm đừng nói tới 500 rupee, và chuyện được thuật lại ngay sau đó cho tất cả ai dự đang ở trên sân cỏ. Sự kiện nó không là ’tiền âm phủ’ và biến mất, được chứng thực qua việc ông Olcott vẫn còn tờ tín phiếu tại Adyar mười bốn năm sau.
Đây là một trong những năm bận rộn, đầy khích lệ và thành công nhất của Hội. Tính ra ông Olcott đã đi một đoạn đường dài hơn 26.000 km, ở cả Ấn Độ và Tích Lan, để lo việc hội.
Chương VI
Đầu năm 1884 ông tiếp tục các chuyến đi này ngày 4.1, gặp tiểu vương, diễn thuyết, lập chi bộ. Ấn Độ khi ấy còn nhiều tệ nạn xã hội và hệ thống giai cấp, dù vậy ông cho thấy có hiểu biết rất đúng về sứ mạng của Hội, khi nói rằng có bao chuyện nhân ái cần phải làm nhưng ta phải không để Hội can dự vào đó, tuy mỗi người có tự do hoàn toàn theo đuổi chúng với tư cách cá nhân, bởi Cái Đó That vượt lên trên mọi giới hạn của người phàm, vô nhiễm, bất tử, thiêng liêng, bất biến. Ấy là tại sao với tư cách là Hội trưởng, ông đã không để cho Hội theo phe này hay kia khi có những câu hỏi về các chuyện này.
Trở về Madras ngày 13.1, ông lên đường đi Colombo ngày 21.1. Tại đây ông họp với dân bản xứ và lập một ủy ban bảo vệ Phật giáo. Họ quyết định là ông đi London để xin chính phủ Anh giải quyết các bất công cho Phật tử tại Ceylon, sinh ra do luật lệ thiên vị Thiên Chúa giáo tại nơi đây, và nhìn nhận lễ Wesak, ngày trăng tròn tháng năm do thông lệ được xem là ngày Phật đản, là lễ cho cả nước.
Ông Olcott lên tầu ở Madras đi Marseilles ngày 20.2 cùng với HPB và một số người khác. Trước khi ra đi, ông lập một Ban Điều Hành tại trụ sở hội gồm các ông Hartmann, Lane-Fox và Coulomb. Lý do gồm ông Coulomb trong đó là vì ông chuyên việc sửa sang phòng ốc của hội, và do vậy được giao việc trông coi thợ nề và thợ mộc, những người mà cơ sở rộng lớn như hội thường xuyên cần đến. Theo ông Olcott, xem ra ông Coulomb lương thiện, ít nói, đàng hoàng nên ông Olcott có thiện cảm đến mức cho ông có chân trong tiểu ban.
Nói qua về tủ thờ shrine, tại trụ sở hội một phòng lớn trên lầu được dùng làm phòng ngủ cho HPB, muốn lên đó người ta phải dùng cầu thang bên ngoài, và khi cửa ở chân cầu thang khóa lại thì không ai lên được các phòng ở tầng trên. Sau đó người ta cho xây tủ thờ có cửa thông với phòng HPB. Bà không thích phòng của mình nên kêu ông Coulomb xây một phòng khác cho bà, việc xây cất đang diễn tiến lúc bà lên đường sang Âu châu. Ông Coulomb phụ trách việc này còn bà Coulomb trông coi đồ đạc của HPB, hai người giữ chìa khóa cầu thang và chẳng ai quan tâm đến việc làm trên lầu của những người thợ, vì thợ và vật liệu đi bằng cầu thang ở bên ngoài không làm phiền ai. Damodar làm việc trong phòng ở tầng dưới, còn ông bà Coulomb có nhà riêng trong khuôn viên của hội. Những người khác ở tầng dưới hay rải rác quanh đó.
Sự kiện những phòng ở tầng trên bị tách biệt một cách tự nhiên, cũng như người ta dễ vào các nơi này, cần được kể tới khi ta xem xét biến cố Coulomb về sau.
Chương VII
Tầu đến Marseilles ngày 12.3.1884, hôm sau HPB và ông Olcott đi Nice gặp thân hữu, trong số đó có thiên văn gia nổi tiếng Camille Flammarion là hội viên của hội. Hai vị rời Nice đi Paris và đến nơi ngày 28.3. HPB ở lại đây ba tháng, có khách đông đảo viếng thăm và trả lời bao câu hỏi về Theosophy, cũng như báo chí tại Paris viết nhiều cột báo về hội.
Chương VIII
Ngày 5.4 ông Olcott để HPB ở lại Pháp, đi xe lửa sang London vì đang có tranh chấp tại chi bộ London. Để giải quyết, ông đã gửi cho hội viên của chi bộ một thư xin ý kiến mọi người về tình hình chi bộ. Họ gửi thư trả lời và nay trên xe lửa, ông mở chúng ra đọc. Khi tới thư của Bertram Keightley, anh xác nhận lòng tin tưởng hoàn toàn là Chân sư sẽ trông nom cho mọi việc tốt lành. Lúc đó trên trần toa xe lửa có một lá thư rơi xuống.
Thư gửi cho ông với nét chữ của đức K.H., cho ông lời khuyên cần thiết về cách xử sự với khó khăn. Làm như thư có chủ ý là câu đáp cho tư tưởng trung thành của người viết mà ông đang đọc. Ông mong ước sao mỗi ai trong Hội có thể ý thức rằng chắc chắn những Đấng Cao Cả đứng sau lưng công việc của chúng ta, luôn trông chừng mỗi ai trong nhóm có tâm thanh khiết và lòng không ích kỷ mà nỗ lực làm việc. Còn gì an ủi hơn khi biết rằng công khó của ta không phải là vô ích, hay ước vọng của ta không hề bị lãng quên ?
Chuyện lộn xộn tại chi bộ London, giống như mọi hiểu lầm khác, có khuynh hướng làm tăng và chót hết làm xáo động nhóm mà trước kia có sự hòa hợp. Điều thiết yếu là ông phải chấm dứt nó nếu được, và đó là công chuyện chính của ông khi sang London.
Xáo trộn ở London có thể được tóm tắt là chi bộ có hai khuynh hướng, một nhóm với chi trưởng Anna Kingsford thiên về triết lý tây phương, và nhóm ủng hộ ông Sinnett muốn học hỏi triết lý đông phương, cũng như quý chuộng các Chân sư hơn. Bởi chi bộ sẽ bầu ban chấp hành mới vào ngày hôm sau, ông tiến hành ngay. Ông đề nghị bà Kingsford lập một chi bộ riêng tên The Hermetic và bà ưng thuận làm theo. Chi bộ London nguyên thủy cũng lập ban trị sự, và khi việc đang tiến hành suông sẻ thì HPB, lẽ ra ở tại Paris, xuất hiện. Mời bạn đọc thêm việc này trong chuyện Đời Huyền Bí của HPB.
Nói thêm về chi bộ Hermetic, sau một thời gian xẩy ra vấn đề là có những hội viên muốn thuộc về cả hai chi bộ London và Hermetic, dự cuộc họp tại hai nơi, nhưng điều lệ của hội không cho phép như thế. Do đó với sự thỏa thuận giữa ông Olcott và người thuộc chi bộ Hermetic, chi bộ không hoạt động trong hội nữa mà tách ra hẳn, thành một tổ chức riêng rẽ độc lập với Hội tên là Hermetic Society vào 9 tháng 5. Bằng cách ấy, ai cũng có thể là hội viên hai tổ chức và tham dự vào sinh hoạt của cả hai.
Tại London ông Olcott gặp gỡ giới trí thức như khoa học gia tiếng tăm Crookes, thi hào Robert Browning. Nhóm ông Olcott được mời viếng phòng thí nghiệm của ông Crookes. Các ý tưởng về Theosophy lan rộng trong những tầng lớp xã hội tại London, và được họ chú ý. Sự kiện bắt đầu khi quyển The Occult World của ông Sinnett xuất bản. Nhiều người có địa vị trong giới trí thức cũng như là hàng quí tộc gia nhập hội. Ông Olcott ghi rằng được mời dự nhiều buổi ăn tối với người có tiếng trong xã hội, và nhận xét là trong số ấy có người đáng nói mà cũng có người không đáng.
Có lần ông được mời dự bữa trưa với Sir Edwin Arnold là tác giả quyển The Light of Asia Ánh Đạo Phương Đông. Sir Edwin Arnold trao ông quà tặng giá trị là vài trang bản thảo cuốn này, hiện được lưu trữ tại thư viện Adyar. Vào lễ White Lotus đầu tiên, kỷ niệm một năm ngày HPB qua đời, ông Olcott đọc từ bản thảo này một đoạn trong The Light of Asia theo như ước nguyện của HPB.
Ở đâu đâu đề tài thảo luận cũng là Theosophy, triều nước đang lên và lẽ tự nhiên sau đó là triều nước rút xuống, nhưng lúc đó chưa ai thấy ở Âu châu, bởi vì sự việc diễn ra tại Madras, Ấn Độ, do cơ quan truyền giáo Scottish Missionaries chủ động, với phương tiện là ông bà Coulomb, bắt đầu vào tháng tư.
Chương IX – X
HPB và Biên Bản SPR (Society of Psychical Research – Hội Nghiên cứu Tâm linh)
Hai sự việc mà ông Olcott có liên quan gặp nhau tại Anh, một là việc ông biện hộ cho những đòi hỏi của Phật tử tại Ceylon với chính quyền thuộc địa ở Anh, và hai là sự tiếp xúc đầu tiên của ông với SPR.
Trong thời gian HPB và ông Olcott sang Anh, hai vị và các thành viên của SPR có dịp tiếp xúc, làm quen với nhau với sự nhã nhặn và thiện cảm không có nghi ngờ gì, dẫn tới việc ông Olcott thỏa thuận nói chuyện trước một tiểu ban của SPR về các hiện tượng xẩy ra ở hội tại Ấn Độ. Đó là những ngày vui vẻ tại London và Paris, hai vị có tinh thần phấn khởi. Ông Olcott có buổi trình bầy đầu tiên ngày 11.5.84 và biên bản được phổ biến tháng 12.1884 trong đó có cả phần trình bầy của Mohini Chatterji.
Nay sang việc thứ hai là cách chính quyền thuộc địa Anh đối xử với tín đồ Phật giáo tại Ceylon, và ông Olcott được hội đồng Phật giáo ở đó ủy quyền khiếu nại ở London những chuyện bất công trong cách ấy. Nói qua một chút về lịch sử thì ban đầu khi người Portugal chiếm Ceylon, họ dùng vũ lực ép buộc dân chúng là Phật tử cải sang Thiên Chúa giáo mà không thành công. Khi người Hòa Lan thay chân người Portugal, họ nhắm tới cùng mục tiêu nhưng thay vì dùng bạo lực thì họ dùng luật pháp.
Một trong những luật này của Ceylon thời ấy là con cái hợp pháp không được thừa hưởng tài sản của cha mẹ, trừ phi lễ cưới của hai người được cử hành trong nhà thờ, việc này cộng thêm với những chuyện khác đã khiến ông Olcott được ủy tới London nộp đơn khiếu nại lên bộ thuộc địa của Anh, thay mặt cho hội đồng Phật giáo tại Ceylon. Nỗ lực thành công với quyền tự do tín ngưỡng được chính quyền Anh cam kết tôn trọng, khiếu nại được giải quyết và lễ Wesak được công nhận là lễ cho cả nước.
Chương XI
Nói về việc truyền tư tưởng.
Chương X
Hình Họa các Chân sư
Ngày đầu tháng sáu, ông Olcott từ London đi Paris, ở đó hai tuần với HPB. Trong thời gian này có những cuộc họp giữa hai vị với nhiều người khác muốn tìm hiểu về hiện tượng, các nguyên tắc của Hội và chuyện tinh thần. Việc tiến hành suông sẻ cho tới khi có người muốn được thấy phép lạ và nài xin HPB tạo hiện tượng. Bà từ chối thẳng, khăng khăng giữ ý định. Chủ trương này khiến có người không hài lòng và sau đó xử sự không đẹp với HPB, nhưng ông tin rằng bà làm vậy là phải, bởi HPB hay ai đứng sau bà thấy trước rằng việc chấp thuận sẽ còn hại hơn là vô ích, vì chỉ có ai thiên về chuyện tinh thần mới hiểu được hiện tượng tinh thần, và hạng người đến với HPB đòi hỏi được thấy hiện tượng thì không phải là người như thế. Nếu HPB tạo ra hiện tượng gì cho họ, nhiều phần là khi rời cuộc họp họ sẽ hỏi nhau ‘Làm sao kẻ giả mạo ấy thực hiện được trò này ?’
Sang hình vẽ các Chân sư, ta đã nói về hình vẽ của ngài hồi ông Olcott còn ở New York do một họa sĩ tài tử vẽ ra, nhìn nghiêng một bên mặt, người này không biết gì về huyền bí học nên tuy hình có giống, nó không cho thấy nét tinh thần chói lọi làm sáng rỡ gương mặt một vị đạo sư. Lẽ tự nhiên ông muốn có một hình đẹp hơn nếu được, nên nghĩ đến việc hỏi thăm thân hữu có khả năng ở London, hầu có thể nhờ vậy mà bắt được nét tinh thần rõ hơn, giống thật hơn của gương mặt thiêng liêng ấy. Khi đề cập việc này với ba họa sĩ chuyên nghiệp và hai người biết vẽ tài tử, họ rất tốt bụng sẵn lòng ưng thuận, và ông đưa cho họ mỗi người một hình chụp bức họa nguyên thủy bằng chì.
Kết quả nói lên nhiều điều; một người vẽ đúng mầu nước da của ngài, người khác đúng gương mặt nhìn nghiêng và người thứ ba mô tả được hào quang sáng rỡ lấp lánh quanh đầu ngài. Nhưng nói chung không một ai trong năm người vẽ được hình đẹp hơn như ông Harrisse đã vẽ tại New York. Lúc việc tranh đua chưa kết thúc thì ông Hermann Schmiechen, một họa sĩ người Đức có tiếng về vẽ chân dung, cư ngụ tại London, gia nhập Hội và bằng lòng dự vào cuộc vẽ tranh đua này làm ông Olcott rất mừng.
Họa sĩ được giao cho tấm hình chụp mà không có gợi ý nào về cách vẽ nhân vật. Ông bắt đầu vẽ ngày 19.6 và hoàn tất ngày 9.7. Ông Olcott tới viếng xưởng họa một mình bốn lần, và một lần với HPB, rất hân hoan với hình ảnh trong trí não đang dần thành nhờ ấn tượng sống động mà họa sĩ ghi khắc được. Kết quả là hình vẽ tuyệt hảo như thể họa sĩ vẽ từ người thật. Không giống như tất cả ai khác họa lại hình nhìn nghiêng mà ông Harrisse vẽ, ông Schmiechen họa trọn gương mặt nhìn thẳng, và đem vào con mắt một sức sống tràn dâng cùng cảm nhận về linh hồn ngụ trong đó làm người xem thật lạ lùng kinh ngạc.
Ấy quả đúng là tác phẩm của một thiên tài, và là bằng chứng cho việc truyền tư tưởng mà ông Olcott có thể tưởng tượng được. Trong bức ảnh họa sĩ vẽ đúng tất cả: gương mặt, mầu da, kích thước, hình dạng, nét biểu lộ trong đôi mắt, tư thế tự nhiên của đầu, hào quang sáng rỡ và tính cách oai nghi. Những chuyện ấy cũng đúng với hình vẽ đi kèm của vị Chân sư chính yếu thứ hai mà ông Schmiechen vẽ, và người ta có cảm tưởng như đôi mắt to của ngài đang tìm hiểu tâm can của ta. Ông Olcott để ý thấy gần như trong mỗi trường hợp đều có dấu hiệu của ấn tượng đầu tiên này, và cảm giác nể phục được mạnh thêm theo cách hai đôi mắt đi theo ta trong phòng, vẫn làm như đọc tâm can ta bất kể ta đứng nơi đâu.
Rồi lại còn sự khéo léo của cây cọ, hào quang quanh đầu hai ngài như thể thực ra đang lấp lánh giống như cảnh tự nhiên. Thế nên không có gì lạ khách xem hình mà tâm tình nặng phần tín ngưỡng, sẽ thấy lòng tràn ngập cảm xúc thánh thiện của căn phòng có treo hình hai ngài, và việc tham thiền tĩnh tâm ở nơi ấy dễ làm hơn nơi nào khác. Hình đã uy nghi ban ngày, lại còn đáng nói hơn vào ban đêm khi có đèn sáng thích hợp, hai hình dường như sẵn sàng bước ra khỏi khung và tiến đến ta.
Họa sĩ làm thêm hai hay hơn các bản sao của hai bức họa, nhưng chúng thiếu tính cách truyền thần của hình nguyên thủy; hiển nhiên là khi vẽ các hình sau ông không có được sự gợi hứng như ở hình trước. Về sau có nhiều hình chụp được phép làm ra dù ông Olcott phản đối mạnh mẽ, chúng có phẩm chất thua kém so với hình nguyên tác treo ở Adyar, tựa như ánh nến so với ánh đèn điện.
Phải chăng thí nghiệm này soi sáng điều bí ẩn về sự gợi hứng trong nghệ thuật, và giúp ta thấy điều chi tạo sự khác biệt giữa một họa sĩ hay kiến trúc sư đại tài, với khối đông trong nghề ở mức trung bình ? Nghệ sĩ đại tài phải là người mà hạ trí nhậy cảm, với ấn tượng do tâm thức cao hơn hay tâm thức tinh thần gieo vào trí, và các tác phẩm tuyệt vời nhất của họ được sinh ra trong phút giây gọi là được gợi hứng, khi có việc truyền tâm thức như vậy xẩy ra.
Chẳng phải trường hợp ở đây mô tả việc khi nghệ sĩ, được dẫn dụ và thúc đẩy bởi sự tràn dâng đến từ bên ngoài, vẽ những bức họa như thế mà họ không thể vẽ lại y như vậy khi ở trong trạng thái bình thường của người phàm ? Và không phải các nhà danh họa, điêu khắc gia đại tài như Leonardo, Titian, Rubens, Praxiteles hay Pheidia là những người dễ chấp nhận sự hướng dẫn của Chân nhân, có khả năng đón lấy trong ‘chớp nhoáng’ những cái nhìn thoáng qua về thực tại thiêng liêng đằng sau phần xương thịt, làm nâng cao con người chăng ?
Chuyện thú vị là bức tranh vẽ Chân sư của ông Schmiechen là nỗ lực lần thứ bẩy để có hình ảnh xứng đáng của ngài, hầu giúp ai chưa thể đi tới ashram của ngài trong thể thanh và hầu chuyện với ngài tận mặt.
Ông Olcott tiếp tục công việc của mình trên đất Anh là thành lập chi bộ tại Edinburgh, Scotland. Hôm sau ông có buổi thuyết giảng trước cử tọa đông đảo. Tới cuối buổi xẩy ra chuyện đáng ghi nhận là trong số những người tới bắt tay ông, có một người nói rằng quan điểm nêu lên trong bài giảng y hệt như các điều mà họ nêu ra trong nói chuyện của mình ở bục giảng nhà thờ. Khi tìm hiểu ông thấy đó là mục sư Tin Lành có tiếng nhất thuộc phái Presbyterian ở Edinburgh. Ông thú nhận là mình kinh ngạc khi nghe giáo sĩ nhận ra trong Theosophy tinh thần giáo phái của mình. Bởi lớn lên trong giáo phái ấy, ông Olcott luôn luôn liên kết nó với tất cả điều chi chật hẹp, cuồng tín và thù hận, tức biểu tượng cho sự độc đoán tôn giáo. Thế mới biết tín đồ của giáo phái ít khoan dung nhất cũng sẽ dịu lòng, và tinh thần hóa các niềm tin thuộc giáo phái của mình nếu họ cao hơn chúng, và nay trí não ông tin rằng ngay cả ai theo phái Presbyterian ở Scotland trong trường hợp đặc biệt, cũng tỏ ra tốt bụng với ai ngoài giáo phái của mình như thể họ không được dạy dỗ các nguyên tắc khe khắt của Knox và Calvin.
Chương XIII
Đi Đức
Ngày 23.7 ông tới Elberfeld, Đức thăm viếng gia đình ông bà Gustav Gebhard là hội viên trong hội. Hai ngày sau có thêm hội viên khác đến và chi bộ đầu tiên tại Đức được thành lập ở đây. Sang ngày 1.8 ông Olcott và ông H. Schleiden đi Dresden; trong ngày hôm ấy ông Schleiden nhận được trên xe lửa thư của Chân sư, trả lời câu hỏi mà ông nêu ra với ông Olcott.
Chuyện diễn ra như sau, ông Schleiden đang trò chuyện với ông Olcott về vài kinh nghiệm đau lòng ông trải qua nhiều năm trước, và đây là lần đầu tiên ông nói về chúng cũng như chưa nói gì với HPB. Giữa lúc đó, người soát vé đến toa của hai ông kiểm vé. Họ đứng ở cửa sổ bên phải, còn ông Olcott ngồi bên trái ông Schleiden. Ông Schleiden lấy vé của mình và của ông Olcott và nghiêng về bên phải đưa cả hai cho người soát vé, ngang qua đầu gối của người ngồi bên phải của ông. Khi trở lại ghế ngồi, ông thấy giữa mình và hành khách bên cạnh có lá thư đề tên ông với nét chữ của đức K.H., nằm trong phong bì Trung Hoa. Nội dung thư chẳng những giải thích kinh nghiệm nói ở trên, mà còn trả lời các thắc mắc nêu ra trong thư ông gửi bưu điện cho HPB lúc ấy đang ở Anh, và ông chưa có giờ nhận thư trả lời. (còn tiếp)